VTI Education

Du học Nhật Bản: Tết truyền thống Nhật Bản khác gì Việt Nam?

Hành trình du học Nhật Bản thường kéo dài từ 1 năm đến 4-5 năm tùy từng hình thức, vì thế có rất nhiều du học sinh có cơ hội được trải nghiệm Tết truyền thống Nhật Bản. Chưa kể nếu bạn mong muốn sinh sống và làm việc tại Nhật, thì đây là những khác biệt giữa Tết Nhật Bản và Tết Việt Nam mà bạn nên biết!

Tết truyền thống Nhật Bản vào thời gian nào?

Tháng Giêng tại Nhật Bản được gọi là Oshougatsu có nghĩa là “Chính Nguyệt”. Tết truyền thống của Nhật Bản chính là ngày lễ Oshougatsu - lễ chào đón vị thần năm mới Toshigamisama, vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt của Nhật Bản.

Ngày xưa, Nhật Bản cũng đón Tết Âm lịch như các nước Châu Á khác. Tuy nhiên, sau thời Minh Trị Duy Tân, Nhật bản chuyển sang đón Tết Dương lịch - tức là ngày 1/1 - 3/1 hàng năm. Thế nhưng, ý nghĩa về một ngày lễ đón chào năm mới, một dịp để mọi người trong gia đình xa gần tụ họp, cầu chúc cùng nhau đón năm mới vẫn luôn được vẹn toàn.

Tet truyen thong cua Nhat Ban vao ngay 1-3/1 duong lich

Những điểm giống nhau giữa Tết truyền thống Nhật Bản và Việt Nam

Dù đón Tết Dương lịch, thế nhưng văn hóa Truyền thống Nhật Bản trong ngày Tết vẫn có sự khác biệt so với các nước phương Tây. Đây là những nét văn hóa đặc sắc đậm chất Á Đông nổi tiếng trên thế giới:

1. Dọn dẹp nhà cửa – Osoji

Đây là truyền thống có cả ở Việt Nam và Nhật Bản, xuất phát từ quan niệm dọn nhà để xua đuổi những thứ không may mắn của năm cũ, sẵn sàng đón một năm mới tươi sáng hơn. Vì vậy, người dân thường sắp xếp lại đồ dùng trong nhà, vứt đi những thứ không cần thiết, lau quét một vòng quanh nhà và  mua sắm một số đồ dùng mới trong nhà.

Truyen thong Nhat Ban don dep cuoi nam vao dip Tet

2. Đi thăm mộ – Ohakamairi

Đây cũng là một truyền thống khá giống ở Việt Nam. Năm mới chúng ta thường đi tảo mộ, dọn dẹp ngôi mộ của người đã khuất, thắp hương mong cầu bình an và mời người đã khuất về ăn Tết. Người Nhật thường đi thăm mộ sau thời điểm giao thừa, thường là sáng mùng 1 hoặc mùng 3 Tết.

3. Truyền thống Nhật Bản đi lễ chùa đầu năm – Hatsumode

Vào thời điểm giao thừa hay buổi trưa mùng 1 người Nhật cũng thường đến các đền chùa, thần điện để cầu may mắn cho suốt một năm. Số lượng người đi lễ chùa đầu năm rất đông và thường sẽ đi thành một hàng dài từ ngoài cổng chùa vào để lễ. 

4. Tiền mừng tuổi – Otoshidama

Giống như ở Việt Nam thì ở Nhật cũng có phong tục mừng tuổi cho trẻ em với mong muốn đứa trẻ nhận được tiền lì xì sẽ có một năm gặp nhiều may mắn. Phong bao Otoshidama ở Nhật rất dễ thương và bạn có thể mua chúng ở cửa hàng tiện lợi, hiệu sách, siêu thị…vv.

5. Tụ họp gia đình 

Tết là cơ hội lớn để người dân tứ xứ trở về quê hương, tập trung đông đủ cùng nhau dùng bữa và nói chuyện về những gì đã xảy ra trong năm qua. Người Nhật cũng có truyền thống dành những ngày lễ Tết đầu năm để quây quần bên gia đình thân yêu, ăn bữa cơm chung và đi thăm hỏi họ hàng.

Những khác biệt giữa Tết truyền thống Nhật Bản và Việt Nam

1. Phong tục gửi bưu thiếp chúc tết - Nengajo

Bưu thiếp chúc Tết của người Nhật gọi là Nengajo, được người dân Nhật gửi đến người thân, họ hàng và bạn bè mỗi dịp Tết đến. Trên bưu thiếp Nengajo thường ghi những lời chúc tết tốt đẹp nhất dành cho đối phương, đôi khi cũng kèm theo vài lời tổng kết về năm qua, cùng lời tri ân đến người nhận.

Bưu thiếp chúc Tết Nengajo thường được gửi trước ngày 31/12 và sẽ đến địa chỉ người nhận đúng vào ngày 1/1 như một lời chúc Tết đầu năm. Vì thế những ngày cuối năm bưu điện Nhật Bản rất bận rộn và thường tuyển nhân viên bán thời gian trong thời gian này với lương khá cao.

Gửi bưu thiếp chúc Tết  là một nét đẹp trong văn hoá của người Nhật đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên những năm gần đây do sự bùng nổ của internet và mạng xã hội mà số người viết Nengajo đã ít dần đi, đặc biệt là thanh thiếu niên Nhật Bản.

Nengajo la truyen thong gui thiep chuc mung dau nam moi o Nhat Ban

2. 108 tiếng chuông chùa

Ở Nhật không có pháo hoa vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới như ở Việt Nam nhưng có 108 tiếng chuông vang lên trên hầu hết các chùa khắp đất nước. 108 tiếng chuông này được tin là sẽ giảm bớt 108 dục vọng và nỗi thống khổ của con người. Đồng thời là dấu hiệu tiễn năm cũ đi để đón một năm mới tới với nhiều điều mới mẻ.

3. Truyền thống Nhật Bản ăn mì Soba đón Tết

Toshikoshi-Soba là một loại mì được người Nhật ăn trước thời khắc giao thừa với mong muốn rằng những điều xấu của năm cũ sẽ được cắt bỏ tại đây và sẽ có một năm mới nhiều may mắn an lành. Quan niệm này xuất phát từ cấu tạo của mì Toshikoshi-Soba. Loại mì này mềm nên rất dễ bị cắt làm đôi làm liên tưởng tới cắt duyên xấu của năm cũ.

Truyen thong Nhat Ban vao nam moi se an mi Soba

4. Ozouni

Ozouni là một loại canh được người Nhật ăn vào ngày mùng 1/1 với mong muốn có một năm khoẻ mạnh dẻo dai. Với hai nguyên liệu chính không thể thiếu đó là Mochi loại tròn hoặc vuông và nước dùng gọi là Dashi. Mochi là loại bánh được làm từ gạo giống như bánh dày của Việt Nam, còn Dashi thường là nước hầm rong biển, rau củ với thịt hoặc miso.

Tuỳ vùng miền và sở thích của mỗi người mà có thể cho thêm những nguyên liệu khác vào canh Ozouni như củ cải trắng, cà rốt, thịt gà, rau cải, đậu đỏ…vv.

5. Osechi

Trong những món ăn ngày Tết của người Nhật thì Osechi là được người nước ngoài biết đến nhiều hơn cả vì đây là đồ ăn chính thống ngày Tết của người Nhật.

Osechi là tổng hợp nhiều món đơn lẻ được bày rất đẹp vào những khay gỗ hay nhựa. Giá trung bình cho một suất Osechi từ 1 triệu -  2 triệu VNĐ với đầy đủ đồ tiêu chuẩn. Bạn hoàn toàn có thể tự làm Osechi cho gia đình mình nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí. Không có một quy định nào về thời điểm ăn Osechi, có thể ăn trước hoặc sau thời điểm giao thừa, tuỳ thuộc vào gia đình mỗi người.

Osechi la mon an truyen thong Nhat Ban dip Tet duoc nguoi nuoc ngoai biet den nhieu Nhat

6. Kagami-mochi

Người Việt Nam mỗi khi Tết đến trên bàn thờ nhất định phải có mâm ngũ quả, hoa và rượu cùng nhiều đồ cúng khác tuỳ tâm gia chủ. Còn người Nhật vào dịp năm mới thứ họ dâng lên trên cho các vị thần và tổ tiên chỉ là hai miếng Mochi được chồng lên nhau, trên cùng là một quả quýt còn nguyên cành lá gọi là Kagami-mochi.

Ở Việt Nam mâm ngũ quả cùng đồ cúng sẽ được đặt trên bàn thờ trong dịp Tết và chỉ hạ xuống vào ngày hoá vàng mà thôi. Tương tự, ở Nhật thì Kagama-mochi cũng được đặt ở vị trí linh thiêng trong nhà trong suốt dịp Tết. Kagami-mochi theo quan niệm của người Nhật là nơi cư ngụ của các vị thần khi vào nhà và nó cũng có ý nghĩa là mong cầu an khang thịnh vượng qua nhiều thế hệ.

Ngày cuối cùng của kì nghỉ Tết họ sẽ hạ Kagami-mochi xuống và thưởng thức nó sau khi đã tiễn các vị thần về trời. Việc này thường được làm vào ngày 11/1 hoặc 20/1 và có tên là Kagami-biraki.

 

VTI Education hy vọng qua bài viết này, chúng ta đã phần nào hiểu hơn về Tết truyền thống Nhật Bản, những điểm giống và khác biệt với Việt Nam ta. Chúc các bạn có một năm mới mạnh khỏe và hạnh phúc!

 

Bình luận của bạn

Các Du học Nhật Bản ngành IT khác

icon tuyển sinh